KINH NGHIỆM PHƯỢT XUYÊN VIỆT BẰNG XE MÁY AN TOÀN

09:07:20 | 19/07/2017


Bạn trẻ trước khi ngồi lên xe máy để thực hiện một chuyến phượt cần nhớ đích đến cuối cùng vẫn là sự an toàn của bản thân và những người đi cùng. 


Những cung đường có nhiều khúc cua, các “phượt thủ” cần đi đúng làn đường, chú ý gương cầu lồi và bóp còi báo hiệu

- Tuổi Trẻ giới thiệu kinh nghiệm đi phượt của những “phượt thủ” nhiều năm cầm lái rong ruổi nhiều cung đường trên mọi miền đất nước và cả các nước trong khu vực…
Chuẩn bị trước khi xe lăn bánh
- Từng 3 lần chạy xe máy xuyên Việt và phượt 7 nước Đông Nam Á bằng xe máy, anh Trần Đặng Đăng Khoa (30 tuổi) cho rằng trước mỗi chuyến đi cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi thứ để chuyến phượt được suôn sẻ. Về xe cộ, tùy theo tính chất của chuyến đi mà người lái xe phải thay những loại lốp xe phù hợp bởi đi đường nhựa tải trọng sẽ khác đi địa hình đèo dốc.
- Tuy nhiên, quan trọng của mỗi chuyến đi là máy móc xe phải ổn định, thắng xe chuẩn, người lái xe nên thay mới nhông, xích, dĩa và đối với những cung đường rừng thì phải thay những nhông nhỏ hơn để tăng sức kéo cho xe.
- Bên cạnh đó, bạn trẻ cần phải tìm hiểu trước cung đường mình đi, sau đó chuẩn bị những trang thiết bị phù hợp, bố trí đồ đạc trên xe hợp lý để khi cần có thể tháo ra đẩy xe.
Với kinh nghiệm phượt nhiều cung đường, anh Đăng Khoa cho rằng vấn đề an toàn của các “phượt thủ” cần phải được đặt lên hàng đầu. Anh Khoa khuyến cáo các bạn trẻ phải ngủ đủ giấc trước và trong chuyến đi.


Anh Trần Đặng Đăng Khoa với chiếc xe máy chạy xuyên qua 7 nước Đông Nam Á

    Trong hành trình nếu cảm thấy mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi, không được chạy xe quá sức. Bản thân các “phượt thủ” cũng nên duy trì liên lạc với gia đình và người thân về chặng đường, vị trí để có sự hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố.
    Các bạn trẻ cần phải tìm hiểu cung đường để giảm rủi ro có thể gặp phải, nên đi đúng tốc độ, phần đường và chú ý theo dõi hai bên đường. Người đi nhiều sẽ nhận biết được tình trạng nguy hiểm phía trước như đường đèo dốc nhiều, xe lưu thông nhiều hay mù sương, trơn trượt để kiểm soát tay lái.
Bên cạnh đó, anh Khoa cũng cho rằng các bạn trẻ có thể học những kiến thức sửa xe cơ bản để chủ động hơn khi gặp những sự cố ở những cung đường không có tiệm sửa xe.
   “Bạn không nên đi vào những nơi quá mạo hiểm, quá sức mình và dù nếu có tự tin thì cũng phải tìm hiểu trước về cung đường với những đặc thù như đèo dốc, sương mù… để chủ động đảm bảo an toàn” - anh Khoa nói.


chuẩn bị đồ dùng cá nhân trước chuyến phượt bằng xe máy

Kinh nghiệm phượt vùng núi phía Bắc
   Thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy vào năm 22 tuổi và mỗi năm thực hiện nhiều chuyến phượt lên các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, “phượt thủ” Đặng Tiến Trung (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ những kinh nghiệm để có những chuyến đi đến các cung đường đèo dốc ở vùng núi phía Bắc an toàn.
Theo Trung, do đặc thù của những cung đường nên cũng cần phải có những lưu ý nhất định đối với những bạn trẻ mê phượt. Trong những đồ dùng cá nhân mang theo hành trình cần phải có băng bông y tế để sơ cứu khi có sự cố và mang theo dụng cụ sửa xe bởi ở những khu vực này ít có tiệm sửa xe.
Tuy nhiên, anh Trung khuyến cáo không nên mang quá nhiều đồ đạc cồng kềnh trên xe. Khi chạy xe trên địa hình đèo dốc, anh Trung cho rằng cần phải chạy xe hết sức tập trung, chú ý những gương cầu lồi ở những khúc cua tay áo.
   Ở những khúc cua gấp, cần phải bấm còi nhằm báo hiệu cho người đi xe ngược chiều, tuyệt đối luôn đi về làn đường của mình, không ôm cua vào làn ngược chiều. Nếu gặp trời mưa, các bạn trẻ phải chạy chậm bởi đặc thù những con đường có nhiều đoạn ôm cua rất dễ trượt bánh gây tai nạn.
Anh Trung đưa ra lời khuyên khi chạy 100-150km cần phải nghỉ ngơi, dừng đổ xăng và kết hợp thăm thú, khám phá các địa điểm cũng như chụp hình cảnh sắc vùng núi. Về thức ăn, anh Trung cho rằng nên lựa chọn những quán ăn của người bản địa, vừa có thể ăn được món giá rẻ lại mang đặc trưng của người dân bản địa.

Vài lưu ý khi phượt trên quốc lộ
   Từng chạy xe máy khám phá rất nhiều vùng đất ở các tỉnh, thành từ đất mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), anh Trần Quân Nam (TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm khi phượt trên quốc lộ bằng xe máy:
- Phải lên kế hoạch các địa điểm đến dự tính trong hành trình.
- Mỗi ngày chỉ nên chạy từ 200 - 300km để vừa đảm bảo an toàn, vừa ngắm cảnh đẹp vừa chụp hình.
- Hạn chế đi quốc lộ, nên đi vào những cung đường song song quốc lộ bởi đây là những cung đường vắng, có nhiều cảnh đẹp lại gần gũi với người dân địa phương.
- Mỗi ngày nên khởi hành từ 5h30-6h sáng bởi thời tiết mát mẻ, mặt trời vừa lên sẽ bắt gặp được nhiều cảnh đẹp.
- Không nên chạy xe từ khoảng thời gian từ 10h-14h, nên dành thời gian này để nghỉ trưa bởi thời điểm này nắng gắt, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe cho chặng hành trình dài.
- Những lúc trời mưa, khu vực miền núi mù sương, chỉ nên chạy xe dưới 40km/h để đảm bảo an toàn tuyệt đối.