Đại chiến ô tô xung quanh Nghị định 116: VAMA vẫn miệt mài phản đối

08:12:57 | 20/12/2017

Dù đã ban hành và sắp đến thời điểm có hiệu lực (1/1/2018) các doanh nghiệp FDI vẫn miệt mài đòi hoãn thi hành, sửa nghị định trong khi các doanh nghiệp nội lại âm thầm đầu tư lớn với mong muốn gắn bó lâu dài với ngành công nghiệp ô tô.

Với các qui định tại Nghị định 116/NĐ-CP, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe trong nước có lợi thế nhất định

Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 116 ngày 17/10 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Nghị định 116 quy định chặt chẽ về xe nhập khẩu như yêu cầu có giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài; thứ hai các lô hàng về phải kiểm tra theo quy định; thứ ba kiểm tra các kiểu loại về khí thải và an toàn giao thông theo quy định.

Theo đó, bản đồ thị trường ô tô Việt sẽ được phân chia lại với Nghị định 116. Chỉ có những doanh nghiệp làm ăn bài bản, đầu tư lâu dài, nội địa hoá, tạo việc làm mới giữ được "miếng bánh" trên thị trường ô tô.

Miệt mài kiến nghị lần thứ 4, VAMA đòi hoãn thi hành Nghị định 116

Kể từ thời điểm ban hành Nghị định 116 của Chính phủ, Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã 4 lần kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành bởi lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh.

Điều đáng nói là trước đây trong giai đoạn đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định 116, VAMA đã ủng hộ rất tích cực nhằm thiết lập lại thị trường ô tô Việt. Tại sao VAMA lại thay đổi trong quan điểm về Nghị định 116?

Cụ thể, trong lần thứ 4 kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, VAMA đã thẳng thừng đề nghị được hoãn thi hành các quy định đối với nhập khẩu xe ô tô tại Nghị định 116.


VAMA vẫn liên tục ra văn bản đề nghị xem xét lại Nghị định 116

“VAMA mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành quy định đối với nhập khẩu ô tô tại Nghị định 116 ít nhất 6 tháng vì quá trình đặt hàng, sản xuất, vận chuyển ô tô từ nước xuất khẩu về đến Việt Nam phải mất một thời gian dài. Mỗi doanh nghiệp nhập khẩu cần thêm thời gian để xin giấy phép, chuẩn bị và nộp giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ và cung cấp phụ tùng chính hãng, giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp”, văn bản nêu.

Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong VAMA lại cho rằng họ không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp ngoại cũng cho rằng, không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một mẫu xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu, cộng thêm đó là tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng.

Một khó khăn khác cũng được nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô ngoại viện dẫn là yêu cầu sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800m. Thời điểm hiện tại, không có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử.

Tuy nhiên, những lý lẽ này của VAMA có lẽ đang bị mâu thuẫn khi mới đây nhất một thành viên của hiệp hội này là Toyota Việt Nam cho biết đã đáp ứng đủ yêu cầu của Nghị định 116.

Doanh nghiệp ngoại đòi ưu đãi, doanh nghiệp nội âm thầm đầu tư lớn

Trái ngược ý kiến của VAMA, một loạt doanh nghiệp khác đã lên tiếng và cho biết đang đầu tư lớn đáp ứng các điều kiện của Nghị định 116. Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Thành Công (Hyundai Thành Công) cho rằng Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là yêu cầu tối thiểu để chứng minh chất lượng các mẫu xe sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu có đạt được theo chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền hay không. Một mẫu xe nếu không đạt được các tiêu chuẩn thử nghiệm tối thiểu thì việc giao xe tới cho khách hàng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao.

Về việc kiểm tra từng lô xe nhập khẩu, tập đoàn này cho rằng rất cần thiểt. Trước đây các mẫu xe này chỉ cần kiểm tra thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật một lần và có thể áp dụng kết quả cho các lần tiếp theo. Điều này hiện không còn phù hợp khi các tiêu chuẩn khí thải, chất lượng ngày càng đòi hỏi cao, cần có sự kiểm tra liên tục và thường xuyên để đảm bảo sự thống nhất về chất lượng.

Trong khi đó, các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước hiện tại vẫn thường xuyên phải thử nghiệm và kiểm tra liên tục về sự phù hợp các linh kiện. Nếu mỗi ô tô đó không có chứng nhận an toàn về linh kiện và đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ không được xuất xưởng.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công nói cho rằng với Nghị định 116, tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải đáp ứng điều kiện như nhau, gồm cả doanh nghiệp FDI và nội địa.

“Nếu cho là doanh nghiệp nội địa được ưu đãi thì doanh nghiệp FDI hãy đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam để cũng nhận được các ưu đãi này, thay vì chỉ đơn giản nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ nước ngoài về để bán cho nhanh và kiếm lợi nhuận”, ông Đức thẳng thắn.

Có mục tiêu xuất khẩu xe nhãn hiệu Hyundai sản xuất tại Việt Nam sang các thị trường khác, ông Đức cũng cho rằng, Hyundai Thành Công đã xác định phải đối mặt với các quy định ở các nước mình xuất khẩu sang đó để bán được hàng, chứ không thể nói, nước sở tại đưa ra quy định để chúng tôi bán được hàng mình đang có sẵn.

Ngoài ra ông Đức cũng cho rằng, yêu cầu đường thử 800 mét không quá khắt khe khi nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô ở nước ngoài, đường thử lên tới vài kilomet với nhiều địa hình phức tạp hơn.

Cùng quan điểm với Hyundai Thành Công, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Minh của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ đồng ý hoàn toàn với Nghị định 116. Theo đó, ông Minh cho rằng Nghị đinh đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đặt ra trong Chiến lược, Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ, hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường.

“Nghị định 116 cho thấy Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm cùng doanh nghiệp hành động để đưa ra những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn trong ngành công nghiệp ô tô. Thaco hoàn toàn đồng thuận và mong muốn cùng Chính phủ phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước thành ngành kinh tế chủ lực, hướng đến xuất khẩu”, đại diện Thaco cho hay.

Về yêu cầu đường thử 800m, đại diện Thaco cho rằng rất quan trọng bởi nó đảm bảo cho xe chất lượng ổn định trước khi xuất xưởng. Nếu không áp dụng quy định về đường chạy thử đối với các nhà sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam thì sẽ tạo ra không công bằng giữa nhà sản xuất mới và nhà sản xuất đang hoạt động.

Ông Minh cho biết nhằm đầu tư lâu dài, gắn chặt lợi ích với đất nước, THACO đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho trang thiết bị, đường thử xe, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, … đáp ứng quy định tại Nghị định 116.

Yenphan
Theo H.Anh (Dân Trí)